Dưới ánh sáng Lời Chúa | Chúa Nhật TN 27, Năm A: Vườn Nho, Một Biểu Tượng Kinh Thánh

Bài 34 :

VƯỜN NHO,
MỘT BIỂU TƯỢNG KINH THÁNH

“Gia chủ kia có một vườn nho …” (Mt 21, 33)

Trong Tin Mừng Chúa nhật 27 Thường Niên năm A, Chúa Giêsu kể một dụ ngôn về vườn nho với khá nhiều hình ảnh mang tính biểu tượng như: rào giậu chung quanh, khoét bồn đạp nho, xây tháp canh, giao cho tá điền, mùa thu hoa lợi v.v…

Vườn nho là hình ảnh quen thuộc được nhắc đến hàng trăm lần trong Kinh Thánh, vì vườn nho gắn liền với đời sống của người Dothái cũng tựa như ruộng lúa đối với người Việt chúng ta vậy.

Trong bài học hỏi này, chúng ta cùng tìm hiểu ý nghĩa của vườn nho trong đời sống thường ngày cũng như theo Sách Thánh.

I. Việc trồng nho

Kinh Thánh nói ông Nôê là người đầu tiên trồng nho và uống rượu nho (x.St 9, 20-21). Và với người Canaan thì việc trồng nho vốn đã rất thịnh hành (x.Tl 9, 27; 14, 5). Khi tiến vào Đất Hứa, tức là đất Canaan, dân Ítraen cũng quen dần với việc trồng nho.

Trồng nho đòi nhiều lao nhọc, phải thường xuyên chăm sóc cây nho và kiên trì chờ đợi mùa thu hoạch. Thời xưa, từ lúc trồng cho đến lúc nho sinh trái, phải mất khoảng ba năm.

Trong bài đọc 1 của Chúa nhật 27 này, ngôn sứ Isaia cho thấy nỗi vất vả nhưng rất thú vị trong việc trồng nho và chăm sóc vườn nho:

“Bạn thân tôi có một vườn nho

trên sườn đồi mầu mỡ.

Anh ra tay cuốc đất nhặt đá,

giống nho quý đem trồng,

giữa vườn anh xây một vọng gác,

rồi khoét bồn đạp nho” (Is 5, 1b-2a).

Phải rào giậu để ngăn dã thú vào phá phách; rồi cuốc đất nhặt đá; rồi chọn giống nho quý đem trồng; dựng một vọng gác giữa vườn để canh chừng trộm cướp; rồi khoét bồn đạp nho chờ ngày thu hoạch để ép nho làm rượu.

Việc chuẩn bị, chăm sóc, kiên nhẫn trong việc trồng trọt cho thấy mối tương quan mật thiết giữa người trồng nho và vườn nho của họ.

Thiên Chúa cũng dùng những hình ảnh ấy để bày tỏ tình thương của Người với dân Ítraen và mong ước đưa Ítraen đi vào mối tương quan thân tình với Người.

II. Ý nghĩa của vườn nho

1. Vườn nho là cơ nghiệp của gia đình

Đối với dân Ítraen, đất đai vườn tược, trong đó có vườn nho, là tài sản quan trọng của một gia đình, đặc biệt khi đó là gia sản thừa kế từ cha ông. Kinh Thánh đã kể lại những trường hợp mà vườn nho là tài sản quý báu của một gia đình. Bài ca về vườn nho trong bài đọc 1, Chúa nhật 27 Thường Niên là câu chuyện vườn nho của một người Ítraen: “Bạn thân tôi có một vườn nho trên sườn đồi mầu mỡ. Anh ra tay cuốc đất nhặt đá, giống nho quý đem trồng, giữa vườn anh xây một vọng gác, rồi khoét bồn đạp nho” (Is 5, 1b-2a).

Sách các Vua quyển I, chương 21 kể chuyện vườn nho của ông Navốt. Khi vua Akháp muốn sở hữu vườn nho ấy bằng mọi giá thì ông Navốt đáp rằng: “Xin Đức Chúa đừng để tôi nhượng gia sản của tổ tiên tôi cho ngài” (1V 21, 3). Nghe biết chuyện như thế, hoàng hậu Ideven đã bày mưu hãm hại ông Navốt, và ông bị ném đá chết. “Khi nghe biết ông Navốt đã chết, vua Akháp đứng dậy, xuống chiếm đoạt vườn nho của ông Navốt, người Gítrơen” (1V 21, 16).

Tác giả Mátthêu cũng kể chuyện một ông chủ rất tận tình chăm sóc vườn nho đến nỗi từ tảng sáng tới lúc chiều tà, đã 5 lần ra mướn thợ vào làm vườn nho của mình (x.Mt 20, 1-16)

2. Vườn nho tượng trưng cho dân Ítraen

Nhiều lần Kinh Thánh dùng hình ảnh vườn nho để nói về Ítraen (Is 5, 7 ; Hs 10, 1; Gr 2, 21; 5, 10; Ed 15, 1-8; 17,3-10; Tv 80). Ngôn sứ Isaia nói : “Vườn nho của Đức Chúa các đạo binh chính là nhà Ítraen đó !” (Is 5, 7).

Ítraen là vườn nho được tuyển chọn (x.Is 5, 1-5; 27, 2; Gr 12, 10): Họ được Thiên Chúa yêu thương cứu khỏi đất nô lệ Aicập và đem “trồng” vào đất Canaan: “Gốc nho này, Chúa bứng từ Aicập, đuổi chư dân, lấy chỗ mà trồng, Chúa khẩn hoang bốn bề quang đãng, cho bén rễ sâu và lan rộng khắp nơi” (Tv 80, 9-10).

Ítraen “sinh nho tốt” khi trung tín tôn thờ Đức Chúa và hành động như Người mong đợi. Thế nhưng vườn nho của Chúa là Ítraen lại thường sinh nho dại, tức là quay lưng lại với Thiên Chúa, mà đi theo các thần: “Tôi những mong trái tốt, sao nó sinh nho dại” (Is 5, 4), “Ítraen vốn là một cây nho sum sê, trái trăng thật dồi dào phong phú. Nhưng trái trăng càng nhiều, chúng càng dựng thêm các bàn thờ ngẫu tượng” (Hs 10, 1).

Ítraen “sinh nho dại” còn bởi lối sống bất chính và gian ác: “Người những mong họ sống công bằng, mà chỉ thấy toàn là đổ máu ; đợi chờ họ làm điều chính trực, mà chỉ nghe vẳng tiếng khóc than” (Is 4, 4.7b)

Hành động phản bội Thiên Chúa và lối sống bất chính khiến Ítraen bị trừng phạt: “Vậy bây giờ tôi cho các người biết, tôi đối xử thế nào với vườn nho của tôi: hàng giậu thì chặt phá cho vườn bị tan hoang, bờ tường thì đập đổ cho vườn bị giày xéo” (Is 5, 5). Họ còn bị các dân khác thống trị, đàn áp và tiêu diệt (x.Ge 1, 6-12): “Khách qua đường mặc sức hái mà ăn ; heo rừng vào phá phách, dã thú gặm tan hoang” (Tv 80,14).

Đức Chúa phán với ngôn sứ Êdêkien về sự trừng phạt “cây nho Ítraen” phản nghịch rằng: “Hỡi con người, gỗ cây nho là gì mà lại tốt hơn mọi thứ gỗ ; cành của nó là chi mà lại tốt hơn cành những cây khác trên rừng? Người ta có dùng gỗ của nó vào công trình gì không, hay lấy nó làm cọc để treo bất cứ vật gì? Này nó bị quăng làm mồi cho lửa” (Ed 15, 2-4a).

3. Vườn nho tượng trưng cho sự thịnh vượng

Cựu Ước dùng nhiều lời sấm nói về thời thịnh vượng đầy hiển hách sẽ đến của Đấng Mê-si-a. Các ngôn sứ dùng hình ảnh vườn nho hay sản phẩm từ cây nho để miêu tả về sự phồn thịnh này: “Nào lúa thơm rượu mới dầu tươi, nào bò bê cùng với chiên cừu. Lòng thoả thuê như vườn cây tưới nước, họ chẳng còn mỏi mệt héo hon” (Gr 31, 12).

Ítraen sẽ không còn phải khiếp sợ, và “mỗi người sẽ ngồi dưới cây vả cây nho của mình” (Mk 4, 3-4). Hình ảnh ngồi dưới cây nho cây vả cho thấy thời bình an đã đến và là biểu tượng cho sự thịnh vượng và hạnh phúc: “Các ngươi sẽ mời mọc nhau dưới bóng cây nho cây vả” (Dcr 3, 10); “Ta sẽ đổi vận mệnh cho Ítraen dân Ta: chúng sẽ uống rượu vườn nho mình trồng, ăn thổ sản vườn mình canh tác” (Am 9, 14).

4. Vườn nho tượng trưng cho những phúc lành của Thiên Chúa

Theo Cựu Ước, hình ảnh vườn nho tươi tốt tượng trưng cho các phúc lành của Thiên Chúa. Khi thời của Đấng Mêsia đến, dân Chúa được sống trong thanh bình hạnh phúc, không còn hiểm hoạ, đói khổ và chết chóc. Phúc lành ấy cũng được diễn tả qua hình ảnh vườn nho và cây nho: “Kẻ nghèo đói, Người cho đến ở, họ lập nên thành thị để định cư. Gieo lúa ngoài ruộng, trồng nho trong vườn, họ thu hoạch hoa màu lợi tức” (Tv 107, 36-37).

Phúc lành của Thiên Chúa cũng được ban cho cá nhân và trong gia đình:

Hiền thê bạn trong cửa trong nhà

khác nào cây nho đầy hoa trái;

và bầy con tựa những cây ôliu mơn mởn,

xúm xít tại bàn ăn.

Đó chính là phúc lộc

Chúa dành cho kẻ kính sợ Người (Tv 128, 3-4)

5. Vườn nho tượng trưng cho Hội Thánh

Trong Tin Mừng Chúa nhật 27 Thường Niên này (x.Mt 21, 33-44), Đức Giêsu lấy lại hình ảnh vườn nho được nói trong Isaia chương 5, để kể một dụ ngôn nhằm chống lại các nhà lãnh đạo Dothái. Vườn nho là dân Ítraen được Chúa trao cho các tá điền là họ chăm sóc. Nhưng họ đã không đem lại hoa lợi cho Chúa, lại còn hành xử gian ác khi bách hại các sứ giả Người gửi đến là các ngôn sứ, và cuối cùng giết chết chính người con duy nhất của ông chủ là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa.

Kết thúc dụ ngôn, Đức Giêsu nói với giới lãnh đạo Dothái rằng: “Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi” (Mt 21, 43). Vườn nho tượng trưng cho Nước Thiên Chúa đã được ban cho dân mới, đó là Hội Thánh và những tá điền tốt lành là những người phục vụ Hội Thánh (x.1Cr 9, 7; Mc 12, 1-12; Lc 20, 9-18).

Tin Mừng Gioan cũng dùng hình ảnh cây nho và cành nho để nói về mối tương quan thân thiết giữa Đức Giêsu và các môn đệ (x.Ga 15, 5). Như Ítraen, các tín hữu trong Hội Thánh được mời gọi trổ sinh hoa trái tốt lành qua việc thực thi giới răn yêu thương của Chúa. Để được như vậy, Hội Thánh phải luôn kết hiệp mật thiết với Đức Giêsu như cành nho gắn liền với cây nho (x.Ga 15, 4).

III. Kết

Chúng ta đã tìm hiểu ý nghĩa của “vườn nho” như: vườn nho là gia sản, là chính dân Ítraen, diễn tả sự thịnh vượng bình an, phúc lành của Thiên Chúa, và là Hội Thánh của Chúa.

Trong tất cả các nghĩa ấy, nổi lên một điểm nhấn quan trọng về hình ảnh vườn nho, đó là niềm hy vọng: Thiên Chúa luôn yêu thương con người qua việc trung thành sống mối tương quan với dân Người. Tình thương và lòng thành tín của Thiên Chúa dành cho chúng ta thì mãi mãi trường tồn. Dù con người có bội phản và chối bỏ tình yêu của Chúa thì Người vẫn luôn hy vọng và mời gọi: “Hôm nay, con hãy đi làm vườn nho cho cha” (Mt 21, 28).

Xin cho chúng ta là những cành nho xanh tươi và biết sinh trái tốt, để xứng với sự chăm sóc của ông chủ vườn nho là Thiên Chúa, Đấng hằng kiên nhẫn chờ đợi chúng ta sinh hoa lợi cho Người.

Lời cầu nguyện

Lạy Chúa Tể càn khôn, xin trở lại,

tự cõi trời, xin ngó xuống mà xem,

xin Ngài thăm nom vườn nho cũ,

bảo vệ cây tay hữu Chúa đã trồng,

và chồi non được Ngài ban sức mạnh.

Chúng con nguyền chẳng xa Chúa nữa đâu,

cúi xin Ngài ban cho được sống,

để chúng con xưng tụng danh Ngài.

Lạy Chúa là Chúa Tể càn khôn,

xin phục hồi chúng con,

xin toả ánh Tôn Nhan rạng ngời

để chúng con được ơn cứu độ.

(Tv 80,15-16.19-20).

Nguồn: tgpsaigon.net

bài liên quan mới nhất

Thứ Hai tuần V Phục Sinh: “Ai yêu mến Thầy, thì giữ lời Thầy”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng